Vì sao con lại cư xử với mẹ “tệ” thế?


Tại sao với tất cả mọi người, con đều ngoan ngoãn, dễ thương… trừ mẹ? Tại sao những gì mẹ nhận được thường là than vãn, giận dữ hay mè nheo nhõng nhẽo?.

Chị ơi, sao con cứ thấy em là bé lại khóc lóc rên rỉ quấy phá. Em thì chịu được con như thế nhưng mọi người cứ nói ra nói vào như thể em là một người mẹ tồi tệ không biết nuôi dạy con mình?“.

Một câu hỏi mình đã được nghe không biết bao lần trong các loại hội nhóm làm cha mẹ, từ tây tới ta. Mình từng gặp nhiều ca đứa trẻ đang vui vẻ bình thường nhưng nhìn thấy mẹ là trở nên kỳ quặc, không nghe lời, chán chường, ném đồ đạc, rên rỉ. “Không có mẹ nó ngoan như thế, chơi với bố suốt có sao đâu” hay “Ở với ông bà ngoan vậy mà sao cứ ở với mẹ là lại khóc lóc nỉ nèo”.

Tội nghiệp những bà mẹ trẻ “vô tội”, cứ nghĩ mình đã làm sai thật bởi vì sự trách móc vô tình của người thân. Họ tự trách hay là mình đã quá chiều chuộng, mềm yếu? Hay là do mình làm gì sai, mình không biết cách dạy con? Tại sao con đi chợ cùng bố cùng bà thì như một thiên thần nhỏ, mà đi với mẹ thì có thể biến quầy hàng thành bãi chiến trường? Tại sao cô giáo nhắc con thu dọn đồ chơi ở trường thì con làm răm rắp không hề phản đối, còn với mẹ thì ngay lập tức dậm chân tức giận?

Tại sao với tất cả mọi người, con đều ngoan ngoãn, dễ thương…trừ mẹ? Tại sao những gì mẹ nhận được thường là than vãn, giận dữ hay mè nheo nhõng nhẽo?

Có lẽ mẹ không cần phải nghĩ nhiều đến thế. Hãy hiểu thế này: con có thể tổn thương và sợ hãi khi ở bên ngoài nhưng con vẫn mỉm cười và làm theo quy tắc. Nhưng buổi tối về nhà, con ngã vào vòng tay ấm áp của ai đó rồi khóc lóc, thất vọng về thế giới không hoàn hảo ngoài kia, con đau đớn biết bao.

Trẻ con là như thế, chúng không thể diễn đạt bằng lời. Chúng có thể ném đồ chơi, mềm nhũn người trong cơn khủng hoảng hoặc chỉ biết rên rỉ như thể vĩnh viễn không bao giờ dứt. Nhưng chúng sẽ chỉ làm thế khi có mặt của người thân thiết nhất. Bởi vì chỉ khi có sự tin tưởng vô điều kiện, con người ta mới có thể cho ai đó thấy sự tổn thương và đau đớn của mình. Chỉ khi đó, người ta mới tự tin rằng mình sẽ được chấp nhận và bỏ lại tất cả, chỉ cần lao vào vòng tay ấm áp kia mà chẳng cần cố gắng so bì hay giữ thể diện làm chi.

Với trẻ nhỏ mà nói, dù thế nào đi nữa, người gần gũi và ấm áp nhất thường là mẹ. Mẹ là người duy nhất có thể chịu đựng những lời than vãn cả ngày, những cơn tantrums, những miếng đồ chơi vương vãi khắp sàn. Mẹ sẽ chịu đựng sự lãng quên của con, sẽ xử lý nỗi đau của con và quan trọng nhất, mẹ sẽ không bao giờ rời bỏ hay từ chối.

Có những người mẹ đánh mất mình đằng sau đứa trẻ, với rất nhiều thứ phải xử lý mỗi ngày, cả những nỗi buồn thoáng qua khi nghe người thân phàn nàn về việc mình làm mẹ.

Nhưng cuối cùng, chính đứa trẻ đã mang đến sức mạnh phi thường cho mẹ, khi con trút mọi giận hờn đau khổ vào mẹ chỉ vì con chắc chắn mẹ là người con tin cậy nhất.

Có lẽ, cảm giác này ở góc độ tích cực cũng khá là tuyệt vời. Cảm giác khi bản thân mẹ cảm thấy mình trở nên quan trọng. Cảm giác khi có một ai đó trút bỏ căng thẳng lên mình rồi lại có thể tiếp tục bên nhau và cùng nhau lớn lên. Con lại tiếp tục là em bé thiên thần. Giáo viên khen ngợi, bà yêu bố tự hào. Chỉ có bên mẹ luôn là nhiều hơn cả tiếng rên rỉ thở than buồn bã.

Có những người mẹ đã suy sụp vì nghĩ mình làm sai gì đó. Mẹ không làm sai mà mẹ hãy chấp nhận sự thật, rằng đó chính là công việc của mẹ – chịu đựng sự thất vọng của con, kiên cường để con tựa vào và đáp ứng khi con có nhu cầu. Mình nhận ra con trai để lại trong vòng tay mình càng nhiều cuồng phong, nước mắt hay giận dữ thì khi bước ra ngoài con càng dễ dàng xử lý cuộc sống của mình. Với những cái ôm của mẹ, của cha… con có được trải nghiệm kỳ diệu về việc chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình và học được cách tự giúp mình khi đối mặt với đau đớn và đáng sợ.

Giờ đây nếu có ai đó nói với bạn rằng tại sao đứa trẻ cứ gần mẹ là rên rỉ, hãy tự tin mà nói với họ rằng “Thật tốt khi con có một người để yêu thương và tin cậy mà nó có thể thể hiện những phần khuất tối của hành vi. Nó đã gồng lên cả ngày để là một đứa trẻ tự tin vui vẻ tử tế lịch thiệp, nó được là chính mình khi ở gần mẹ không phải tốt hay sao? Đâu phải ai cũng tìm được một “nơi” xa sỉ như thế để giải tỏa mỗi ngày”.

Phải không?

Nguồn: Lotus, Tác giả Phan Linh

 

 


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *